Tín chỉ carbon và câu chuyện mục tiêu kép chuyển đổi số bền vững

Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới mục tiêu Net zero - tức là tạo ra mức phát thải ròng bằng 0, ngày càng nhiều tổ chức doanh nghiệp đưa ra chiến lược và tập trung nguồn lực vào các hoạt động giảm thiểu carbon.

Thị trường carbon sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu, an ninh năng lượng và phát triển bền vững bằng cách thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi năng lượng và huy động vốn cho các dự án năng lượng sạch. Đây là đánh giá được ông Joseph McMonigle, Tổng thư ký Diễn đàn Năng lượng quốc tế đưa ra hồi đầu năm nay.

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính hay còn gọi là tín chỉ carbon.

Trên thế giới, thị trường carbon đã phát triển mạnh mẽ từ nhiều năm trở lại đây. Thị trường mua bán tín chỉ carbon toàn cầu năm 2023 đã đạt mức cao kỷ lục hơn 948 tỷ USD, tăng 2% so với năm trước đó. Nhiều quốc gia và khu vực đã triển khai hệ thống giao dịch khí thải (ETS) để định giá lượng khí thải carbon và khuyến khích các công ty đầu tư vào hệ thống công nghệ phát thải khí carbon thấp, giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Trong khi đó, nghiên cứu của Markets and Markets cho thấy, Châu Á Thái Bình Dương được đánh giá sẽ trở thành khu vực có thị trường tín chỉ carbon tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2023 – 2028, dẫn đầu là Trung Quốc.

Một nghiên cứu khoa học mới đây cho thấy, lượng khí phát thải cần phải giảm 43% vào năm 2030 để mục tiêu khí hậu đi đúng hướng. Việc đầu tư vào công nghệ sạch được xem là chiến lược then chốt để có thể đảm bảo được mục tiêu này.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ sạch, bao gồm pin, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xanh được xem là trụ cột trong tương lai này như Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu xe điện.

Thị trường còn mới mẻ tại Việt Nam

Mặc dù thị trường tín chỉ carbon đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, đây dường như vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ.

Thị trường carbon Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến đến năm 2028, Việt Nam mới vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư chuyển đổi công nghệ; cũng như xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành và làm chủ các công nghệ, máy móc mới. Điều này không hề dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp trong nước.

Là một trong những lĩnh vực đòi hỏi nguồn năng lượng cũng như thải ra lượng khí nhà kính cao, ngành dịch vụ trung tâm dữ liệu (TTDL) cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Theo thống kê, thế giới hiện có tới 8.000 TTDL. Năng lượng tiêu thụ của mỗi TTDL tương đương mức tiêu thụ của 25.000 hộ gia đình và chiếm 2-3% năng lượng điện tiêu thụ toàn cầu, 5% khí hiệu ứng nhà kính do các TTDL gây ra. Điều này buộc các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thực hiện chiến lược chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, hướng đến năng lượng tái tạo.

TTDL Viettel Hòa Lạc mới đi vào hoạt động vào tháng 4 vừa qua được xem là TTDL tiên phong tại Việt Nam được xây dựng và vận hành theo mục tiêu này.

Tín chỉ carbon và câu chuyện mục tiêu kép chuyển đổi số bền vững - Ảnh 1.

TTDL Viettel Hòa Lạc có thiết kế thân thiện với môi trường. Ảnh: Viettel IDC

Không chỉ có thiết kế "tổ ong" để tối ưu luồng gió, cách nhiệt, đảm bảo tối ưu hiệu quả làm mát, TTDL này cũng được sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. TTDL Viettel Hoà Lạc sử dụng hệ thống giải nhiệt ly tâm đệm từ, có hiệu suất làm mát cao hơn các hệ thống làm mát truyền thống hoặc các hệ thống giải nhiệt công nghệ cũ khác khoảng 40%, giúp cho các TTDL sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, thân thiện hơn với môi trường.

Đồng thời, việc ứng dụng AI trong hệ thống giám sát, quản lý chung của cả TTDL (hệ thống BMS) – thực hiện giám sát, điều chỉnh tự động hoạt động vận hành của TTDL giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tính ổn định, an toàn của hệ thống đồng thời cũng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả làm mát cho toàn bộ cơ sở.

Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ vào năm 2030.

Với vai trò tiên phong lĩnh vực TTDL và điện toán đám mây tại Việt Nam, Viettel IDC luôn xác định triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việc xây dựng và hận hành một TTDL "xanh" đồng nghĩa với việc lựa chọn kiên định với mục tiêu phát triển bền vững không chỉ của doanh nghiệp nói riêng mà còn của quốc gia nói chung.

Tin Cùng Chuyên Mục
Bước vào mùa mưa, Michelin và các đối tác kiểm tra an toàn miễn phí cho ô tô và xe hai bánh

Bước vào mùa mưa, Michelin và các đối tác kiểm tra an toàn miễn phí cho ô tô và xe hai bánh

Michelin Việt Nam và các đối tác đang triển khai hoạt động kiểm tra an toàn xe miễn phí cho xe bốn bánh và hai bánh với chủ đề "An toàn bền bỉ, vạn dặm an tâm cùng Michelin". Sự kiện diễn ra trong hai ngày 17 và 18/05/2024 tại trung tâm thương mại Crescent Mall, phường Tân Phú, Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.
Tin mới